Hệ thống thông tin địa lý (GIS) hiện nay được ứng dụng cho rất nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau, những tiến bộ của công nghệ đã giúp nâng cao đáng kể dữ liệu từ GIS. Cụ thể việc số hóa bản đồ thể hiện qua tính ứng dụng, cách thức GIS được sử dụng và những kết quả đạt được trong các doanh nghiệp hiện nay.
Tầm quan trọng của hệ thống thông tin địa lý
Hệ thống thông tin địa lý ngày nay là một công cụ quan trọng trong việc ra quyết định cho bất kỳ doanh nghiệp hoặc lĩnh vực, ngành nghề nào bởi nó cho phép người dùng phân tích mọi dữ liệu về môi trường, nhân khẩu học và địa hình.
Những dữ liệu thông minh này được tổng hợp từ ứng dụng bản đồ số giúp doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau đưa ra các quyết định chính xác và hợp lý trong việc tiếp cận khách hàng của mình.
Dữ liệu GIS được sử dụng phổ biến trong doanh nghiệp và cuộc sống như thế nào?
Dịch vụ mạng và viễn thông
Các tổ chức, đơn vị có thể kết hợp dữ liệu địa lý vào các hoạt động xây dựng, kế hoạch bảo trì hạ tầng, tối ưu hóa cơ sở mạng lưới thông qua GIS. Các dữ liệu này giúp nâng cao chất lượng mạng lưới viễn thông thông qua việc xác định vị trí và quản lý vận hành tốt hơn dành cho khách hàng.
Phân tích tai nạn và khu vực trọng điểm
Các đơn vị quản lý có thể xác định vị trí tai nạn giao thông đường bộ cũng như tối ưu hóa mạng lưới bằng cách sử dụng thông tin dữ liệu mà GIS đưa ra. Cách thức quản lý thông minh này đã giúp cải thiện các biện pháp an toàn đường bộ và cho phép quản lý giao thông đường bộ tốt hơn.
Quản lý quy hoạch đô thị
Dữ liệu GIS cũng đưa ra phân tích về tốc độ tăng trưởng đô thị và phương hướng đô thị hóa. Nếu áp dụng phù hợp, các dữ liệu này có thể khám phá các khu vực địa lý mới nhằm mục đích phát triển bên cạnh việc xem xét các yếu tố cần thiết khác để xây dựng thành công đô thị mới.
Thiết lập hệ thống giao thông vận tải
Trong công tác quản lý các vấn đề giao thông, dữ liệu GIS được ứng dụng một cách hiệu quả và triệt để. Bằng việc bổ sung dữ liệu chuyên đề và môi trường trong nền tảng GIS, các đơn vị quản lý có thể thiết lập và xây dựng kế hoạch phát triển tuyến đường bộ hoặc đường sắt khác nhau.
Phân tích tác động từ môi trường, khí hậu
Những dữ liệu thu thập được thông qua hệ thống thông tin địa lý là rất quan trọng trong việc dự đoán trước những tác động từ môi trường, khí hậu và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Việc tích hợp GIS sẽ giúp chỉ ra những báo cáo đánh giá mức độ tác động của con người lên môi trường, từ đó đưa ra cảnh báo và hành động để đối phó với những vấn đề này.
Quản lý và bảo trì tài sản
Dữ liệu được GIS cung cấp sẽ giúp các doanh nghiệp quản lý và bảo trì hiệu quả hơn đối với loại tài sản hữu hạn. Cùng với sự hiểu biết về nguy cơ bên ngoài, các nhà quản lý sẽ thiết lập được kế hoạch bảo trì và phân bổ nguồn lực hợp lý.
Giải quyết các vấn đề về thuế
Trên cơ sở dữ liệu thông tin địa lý, GIS giúp các cơ quan ban ngành giải quyết các vấn đề về thuê và tối đa hóa thu nhập cho nhà nước. GIS được ứng dụng nhằm cấp phép xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống quản lý tài sản thuế trên một khu vực địa lý xác định.
Ứng dụng trong Tài chính ngân hàng
Khả năng cung cấp dịch vụ tới khách hàng của lĩnh vực Ngân hàng ngày càng được nâng cao và đẩy mạnh. Sự thành công trong lĩnh vực này chủ yếu phụ thuộc vào khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong đó, GIS đóng vai trò thiết yếu trong việc lập kế hoạch, thiết lập và tổ chức các địa điểm cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo khu vực xác định.
Doanh nghiệp cần làm gì để ứng dụng bản đồ số và các hình thức số hóa bản đồ là gì?
Số hóa bản đồ là gì?
Số hóa bản đồ là quá trình chuyển đổi thông tin từ bản đồ, bản vẽ hay văn bản (số liệu về tọa độ) sang dạng số để lưu trữ, quản lý trên hệ thống máy tính.
Cách thức số hóa bản đồ được chia làm hai dạng chính:
- Số hóa bằng bàn số (Digitizer)
Là cách thức sử dụng bàn số hóa để chuyển các bản vẽ đối tượng trên bản đồ giấy theo hệ tọa độ bản đồ để lưu trong máy tính dưới dạng số.
- Số hóa trên màn hình thông qua máy quét ảnh (Scanner)
Là cách thức chuyển từ bản đồ giấy thông qua máy quét ảnh tạo ra hình ảnh bản đồ, sau đó sử dụng hệ thống GIS định vị về hệ tọa độ bản đồ thông qua các chức năng đồ họa của GIS để số hóa dữ liệu.
Tuy nhiên hiện nay tại Việt Nam, việc các doanh nghiệp có sẵn nguồn lực trong nghiệp vụ công nghệ thông tin địa lý là không có và gần như rất hiếm. Lý do là bởi việc xây dựng và vận hành đội ngũ công nghệ thông tin địa lý là khá tốn kém. Bên cạnh đó, việc số hóa bản đồ hiện nay tại nhiều cơ quan, trung tâm nghiên cứu trực thuộc các cấp chính quyền chủ yếu thông qua phương pháp bàn số hóa. Mặt hạn chế trong phương pháp này là khá tốn kém thời gian, nhân lực cũng như độ chính xác không cao.
Do vậy, đó là lý do cho sự phát triển mạnh mẽ hiện nay của những giải pháp phần cứng, phần mềm cũng như các đơn vị chuyên trách thực hiện số hóa bản đồ và xử lý thông tin GIS.
Tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp cung cấp giải pháp quản lý hệ thống thông tin địa lý hiện nay đã được ứng dụng hầu hết phương pháp số hóa trực tiếp trên màn hình thông qua máy quét ảnh.
Doanh nghiệp khi có nhu cầu số hóa sẽ tùy theo điều kiện và mục đích của mình để xem xét các phương pháp phù hợp trong các đơn vị cung cấp dịch vụ số hóa bản đồ. Ngoài việc các doanh nghiệp có nhu cầu số hóa bản đồ để phục vụ cho doanh nghiệp mình, các nhà lãnh đạo hay bộ phận quản lý cũng cần nắm bắt một số thông tin cơ bản về các cách thức số hóa bản đồ như sau.
Số hóa bằng bàn số (Digitizer)
Phương pháp này sử dụng bàn số hóa (Digitizer) để chuyển bản đồ hoặc bản vẽ sang dạng số. Đối với phương pháp này có độ chính xác thấp do phụ thuộc vào thao tác thủ công, tỷ lệ bản đồ và độ phân giải phụ thuộc vào thiết bị số hóa. Trong đó số hóa bàn số đòi hỏi người xử lý phải đưa con trỏ của bàn số can lại các đối tượng trên bản đồ.
Các bước thực hiện số hóa bản đồ bằng bàn số (Digitizer)
Số hóa bằng màn hình thông qua máy quét ảnh (Scanner)
Nhờ vào khoa học kỹ thuật và các ứng dụng phần mềm, phần cứng phục vụ GIS phát triển mạnh mẽ ngày nay đã cho ra đời nhiều công cụ cho phép số hóa bản đồ với tốc độ nhanh và độ chính xác rất cao.
Số hóa trên màn hình thông qua máy quét ảnh bao gồm các bản ghi của Scanner chứa toàn bộ các hình ảnh trên bản đồ bao gồm các đường nét, ký hiệu và văn bản chữ trong quá trình chuyển đổi. Các dữ liệu này sau khi được quét qua máy tính sẽ được lưu dưới dạng Raster, tức là các điểm ảnh.
Tuy nhiên, số liệu sau khi thông qua Scanner không thể dùng ngay được cho các hệ thống thông tin địa lý. Một công tác biên tập cần phải thực hiện để xây dựng các dữ liệu cho hệ thống thông tin địa lý đó là chuyển đổi từ dữ liệu Raster sang dữ liệu Vector.
Các bước thực hiện số hóa bản đồ thông qua máy quét ảnh (Scanner)
Lưu ý khi áp dụng phương pháp số hóa bản đồ bằng máy quét ảnh:
- Trong quá trình quét ảnh phải đảm bảo độ phân giải để có thể quét hết thông tin trên bản đồ
- Quá trình xử lý ảnh sơ bộ, lấy đường biên cần được kiểm tra chặt chẽ
- Cần vector hóa đối tượng bằng số hóa tự động hoặc bán tự động
- Kiểm tra và nắn chuyển về hệ tọa độ bản đồ
- Xử lý ghép nối các mảnh bản đồ
Một số yêu cầu về kỹ thuật số hóa bản đồ các đối tượng trên bản đồ số
Để nội dung bản đồ sau khi được số hóa đảm bảo đầy đủ, chính xác và chi tiết nội dung như bản đồ gốc dùng để số hóa (độ chính xác về cơ sở toán học, vị trí các yếu tố địa vật và độ chính xác tiếp biên không được vượt quá dung sai cho phép).
Ngoài ra, về hình thức trình bày bản đồ số phải thể hiện đúng các yêu cầu về nội dung trong quy phạm và hệ thống ký hiệu hiện hành của Tổng cục địa chính. Do đó, khi biên tập bản đồ số phải sử dụng đúng bộ ký hiệu bản đồ địa hình số và bản đồ chuyên đề ở tỷ lệ tương ứng.
Yêu cầu đối với số hóa các đối tượng dạng Vùng
- Thể hiên đúng vị trí, hình dạng, kích thước của đối tượng
- Khu vực vùng khép kín đúng theo đường biên và phải hoàn toàn trùng khít ranh giới với những vùng lân cận
- Số hóa dạng vùng của cùng một loại đối tượng dùng ký hiệu pattern, shape hoặc fill color là các vùng đóng kín và kiểu đối tượng là đơn hoặc nhiều vùng gộp lại
Yêu cầu đối với số hóa các đối tượng dạng Đường
- Các đối tượng dạng đường không được sử dụng những công cụ làm trơn mà cần dùng công cụ vẽ đa giác như polyline, linestring, chain hoặc complex chain
- Điểm đầu đến điểm cuối của một đối tượng phải là một đường liền không đứt đoạn và phải có điểm nút ở những nơi giao nhau
Yêu cầu đối với số hóa các đối tượng dạng Điểm
- Các đối tượng dạng điểm nên thể hiện bằng ký hiệu đã được thiết kế sẵn mà không nên dùng công cụ vẽ để vẽ đối tượng đó
Kết luận
Với sự phát triển khoa học kỹ thuật ngày nay, việc doanh nghiệp ứng dụng công nghệ bản đồ số để phục vụ mục đích phát triển doanh nghiệp là không còn hiếm. Tuy nhiên điều này mới chỉ diễn ra tại các doanh nghiệp lớn, có quy mô. Sẽ là một sự thiếu sót khi nền tảng công nghệ mới này bị các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ bỏ qua khi cho rằng chỉ những doanh nghiệp quy mô lớn mới có thể áp dụng. Bởi thực tế chúng ta có thể nhận thấy, nền tảng GIS đã và sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai bởi tính ứng dụng rộng rãi của nó trong mọi mặt cuộc sống.
Doanh nghiệp cần có tầm nhìn và tư duy sâu rộng để nhìn ra cơ hội thay đổi cục diện cho doanh nghiệp mình.
Tham khảo thêm kiến thức về GIS:
GIS là gì? Tổng hợp kiến thức về GIS
Bản đồ số là gì? Lịch sử hình thành và tính ứng dụng thực tiễn của bản đồ số trong cuộc sống
Phân biệt công nghệ GIS và GPS
[Kiến thức ngành GIS]: 5 thành phần trụ cột kiến tạo công nghệ GIS